Orientation for livestock development
Trước diễn biến phức tạp của ASF diễn ra trên thế giới và các nước trong khu vực, Bộ NN&PTNT đã chủ động diễn tập và đưa ra những kịch bản phòng chống từ cuối năm 2018.
Nhiều kết quả
Năm qua, cả nước chung tay kiện toàn về thể chế sau khi Luật Chăn nuôi chính thức được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018. Trước đây, công tác xây dựng các văn bản dưới luật chỉ tập trung nhiệm vụ cho các cơ quan Trung ương, đến nay Luật Chăn nuôi đưa ra nhiều nội dung phân cấp trực tiếp cho các địa phương quản lý trên địa bàn. Đến nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký ban hành 4 Thông tư hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Chăn nuôi.
Trước diễn biến phức tạp của ASF diễn ra trên thế giới và các nước trong khu vực, Bộ NN&PTNT đã chủ động diễn tập và đưa ra những kịch bản phòng chống từ cuối năm 2018. Tuy nhiên, ASF chưa có vaccine phòng bệnh, sức lây lan nhanh, tỷ lệ nhiễm và chết cao trên đàn heo, khi vào Việt Nam với phần lớn người chăn nuôi nhỏ lẻ, đầu tư ít về chuồng trại và hạn chế biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi thì sức tàn phá của dịch không thể kiểm soát. Chính sự bất ổn trong sản xuất chăn nuôi heo vừa qua mà Đảng và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, các chính sách mới hỗ trợ cho ngành chăn nuôi được ban hành nhằm ổn định đời sống người chăn nuôi.
Trong thời gian qua, các nhà chăn nuôi đã triệt để áp dụng biện pháp thực hành sản xuất tốt, các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như: VietGAHP, GlobalGap... được phổ biến nhân rộng ở nhiều địa phương. Các chủ trại chăn nuôi tìm tòi các cách thức cách ly, phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Song song với việc chăn nuôi bền vững, các chuỗi liên kết chăn nuôi đã được hình thành, các nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi được xây dựng và đi vào hoạt động.
Ngành cũng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành và xây dựng Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, định hướng đến năm 2040.
Bộ NN&PTNT đã tăng cường chỉ đạo phát triển đàn gia cầm, đưa đà tăng trưởng thịt, trứng gia cầm lên trên 10% trong năm qua. Đồng thời có những định hướng nâng cao sản lượng thịt bò để bù đắp lượng thịt heo giảm sút, đảm bảo nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Về thời cơ, trong năm 2019 các doanh nghiệp đã từng bước xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đến các thị trường khó tính như xuất khẩu sữa vào thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thịt gà chế biến vào thị trường Nhật Bản, xuất khẩu thịt heo sang Myanmar...
Hướng phát triển
- Việc khôi phục đàn heo cần thời gian tối thiểu từ 3 - 5 năm, với nhiều biện pháp tổng hợp, từ quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đến việc xác lập vành đai cho các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm.
- Giữ được đàn giống tốt là một mục tiêu hàng đầu, có giữ được con giống gia súc, gia cầm đảm bảo phẩm cấp giống thì mới duy trì bền vững và phát triển sản xuất chăn nuôi. Do vậy Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến các chương trình giống vật nuôi, có chính sách hỗ trợ cụ thể cho đầu tư cơ sở hạ tầng, quỹ đất xây dựng trang trại giống gia súc, gia cầm đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn dịch bệnh.
- Biện pháp an toàn sinh học là hữu hiệu nhất hiện nay để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Do vậy người chăn nuôi cần thay đổi để nâng cao kiến thức về thực hành chăn nuôi tốt tại trang trại chăn nuôi của mình, tăng cường khoa học và công nghệ chăn nuôi.
- Người chăn nuôi, doanh nghiệp chủ động liên kết sản xuất quy mô lớn, chăn nuôi có kiểm soát, có định hướng thị trương, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và tăng cường xây dựng thương hiệu.
- Công tác thống kê, dự báo thị trường và định hướng chăn nuôi phù hợp với nhu cầu trong nước và thị trường xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chăn nuôi.
Nguồn: Báo Người chăn nuôi
Copyright © 2020 R.E.P Biotech JSC