TỔNG QUAN NGÀNH CHĂN NUÔI HEO VIỆT NAM HIỆN NAY

  • 15/04/2025
  • Thực trạng ngành chăn nuôi heo

    Thịt heo hiện vẫn là nguồn đạm động vật chủ yếu trong khẩu phần ăn của người Việt Nam, chiếm khoảng 62% tổng sản lượng thịt từ chăn nuôi. Theo ước tính, mức tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người năm 2024 đạt 37,04 kg/người/năm, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ tư thế giới về tiêu thụ loại thực phẩm này.

    Báo cáo từ Cục Chăn nuôi và Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, đến cuối năm 2024, tổng đàn heo cả nước đạt khoảng 32 triệu con – mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Đáng lưu ý, phần lớn số lượng này nằm trong các hệ thống chăn nuôi quy mô lớn, bao gồm các chuỗi trang trại và doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn.

    Trong năm 2024, sản lượng thịt heo hơi của Việt Nam đạt khoảng 5,2 triệu tấn, chiếm 4,3% tổng sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, nhập khẩu thịt và phụ phẩm từ heo vẫn gia tăng đáng kể. Tính đến ngày 25 tháng 3 năm 2025, Việt Nam đã nhập khẩu 32.900 tấn thịt heo và 30.500 tấn phụ phẩm ăn được – tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Nga hiện là đối tác cung cấp thịt heo lớn nhất, chiếm hơn 22% tổng lượng nhập khẩu. Xu hướng gia tăng nhập khẩu này đang tạo áp lực cạnh tranh đáng kể đối với ngành chăn nuôi trong nước.

    Ngành chăn nuôi heo Việt Nam đã ghi nhận nhiều tiến bộ về mặt công nghệ và kỹ thuật, dần tiệm cận với các quốc gia có nền chăn nuôi phát triển như Hoa Kỳ và các nước Châu Âu. Thành tựu về di truyền học đã cho phép cải thiện năng suất giống, tăng số con sinh ra mỗi lứa và tốc độ tăng trưởng của heo con. Tuy nhiên, việc nâng cao sản lượng heo con trên mỗi heo nái cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản của đàn nái. Đồng thời, các giống heo thương phẩm được chọn lọc theo hướng tăng trọng nhanh, FCR (hệ số chuyển hóa thức ăn) thấp, tỷ lệ nạc cao, lại đang bộc lộ những bất cân đối về mặt sinh lý, đặc biệt là hệ tim mạch và hô hấp.

    Một vấn đề đáng quan ngại khác là việc sử dụng kháng sinh trong khẩu phần ăn. Việc lạm dụng kháng sinh đang làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột của heo, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng miễn dịch tự nhiên và hiệu quả của các loại vaccine phòng bệnh.

    Mô hình chăn nuôi công nghiệp với mật độ cao cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm quản lý dịch bệnh, năng suất và môi trường. Công tác xử lý chất thải và quản lý nguồn nước trong chăn nuôi hiện là bài toán nan giải. Một số địa phương, tiêu biểu là các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, đã tăng cường kiểm soát môi trường, tiến hành rà soát và lên kế hoạch di dời các trang trại lớn, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi gia công ra khỏi khu vực bị cấm chăn nuôi theo quy hoạch.

    Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, trong khi chi phí thức ăn chiếm tới 60–70% tổng giá thành sản xuất. Cùng với đó, tình hình dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả kinh tế và lợi nhuận của các hộ chăn nuôi.

    Tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi heo

    Tình hình dịch bệnh trong ngành chăn nuôi heo vốn đã phức tạp, nay càng trở nên nghiêm trọng hơn với sự xuất hiện và lây lan mạnh của dịch tả heo châu Phi (ASF). Tính đến ngày 25/11/2024, đã ghi nhận 1.538 ổ dịch ASF với tổng số 88.258 con heo bị tiêu hủy (Đỗ Hương, 2024).

    Sự tồn tại đồng thời của nhiều genotype ASFV và các dòng virus tái tổ hợp giữa genotype I và II (Lê Văn Phan và cs., 2023) cho thấy mức độ đa dạng về mặt di truyền của virus ASFV tại Việt Nam. Đặc biệt, sự xuất hiện của các chủng virus có độc lực thấp, tồn tại dạng lưu nhiễm và biểu hiện lâm sàng không rõ ràng đã tạo ra nguy cơ thường trực cho các trang trại chăn nuôi. Trong thực tế, việc kết hợp các phương pháp xét nghiệm như ELISA và PCR/Realtime PCR có thể giúp phát hiện hiệu quả các ca nhiễm ASF, dù ở thể cấp tính hay mãn tính (Schambow và cs., 2023).

    Ngoài ASF, một số bệnh khác trên heo cũng cần được quan tâm như: hội chứng phù đầu, lỵ, PRRS, PCV2, PRDC và viêm phổi địa phương. Bệnh truyền nhiễm chiếm tới 70% trong tổng số bệnh thường gặp ở heo. Các tác nhân virus mới nổi hoặc tái nổi như PRRS hoặc Mycoplasma suis tiếp tục gây áp lực lớn lên ngành chăn nuôi. PRRS không chỉ gây ức chế miễn dịch mà còn làm trầm trọng thêm các bệnh kế phát, trong khi M. suis gây thiếu máu truyền nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và khả năng sinh sản của đàn nái.

    Các bệnh do vi khuẩn gây nhiễm trùng toàn thân, dai dẳng hoặc thể ẩn thường không dễ phát hiện nhưng có thể gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Sự đa nhiễm và tương tác giữa các mầm bệnh càng làm phức tạp quá trình chẩn đoán và điều trị, đòi hỏi sự hỗ trợ từ các phương pháp chẩn đoán hiện đại tại phòng thí nghiệm.

    Giải pháp ứng phó

    An toàn sinh học trong chăn nuôi được hiểu là tập hợp các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm phòng ngừa và kiểm soát sự xâm nhập, lan truyền của các tác nhân sinh học gây hại cho vật nuôi, con người và môi trường.

    1. Quản lý heo mới nhập trại

    Heo hậu bị là nguồn tiềm ẩn mang mầm bệnh vào trại. Do thời gian nuôi dài, nguy cơ nhiễm bệnh cao nên cần thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt quá trình tiếp nhận, cách ly và theo dõi sức khỏe.

    2. Kiểm soát vật chủ trung gian truyền bệnh

    Các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng có thể theo các vật chủ trung gian như chim, chuột, chó mèo hoặc con người xâm nhập vào trại.

    • Chim chóc: Có thể mang mầm bệnh qua chân và hệ tiêu hóa. Cần che chắn lỗ thông hơi, bảo vệ thức ăn và loại bỏ nơi chim làm tổ.
    • Gặm nhấm: Cần thiết kế chuồng trại kín, bảo quản thức ăn hợp lý, tổ chức các chiến dịch diệt chuột định kỳ.
    • Chó mèo: Không để động vật tự do di chuyển trong trại, hạn chế tiếp xúc với vật nuôi.

    3. Kiểm soát con người ra vào trại

    Nhân viên, khách đến trại cần tuân thủ quy trình vệ sinh, thay đồ bảo hộ. Không mang thực phẩm sống vào khu vực chăn nuôi.

    4. Kiểm soát phương tiện vận chuyển

    Phương tiện cần được vệ sinh, tiêu độc trước và sau khi vào trại. Bố trí lối đi hợp lý để tránh lây nhiễm chéo.

    5. Kiểm soát thức ăn và nước uống

    Đảm bảo nguồn thức ăn đạt tiêu chuẩn, nước uống được khử trùng, kiểm tra chất lượng định kỳ mỗi 4 tháng.

    6. Quản lý dụng cụ chăn nuôi

    Dụng cụ cần được phân khu riêng biệt. Nếu phải dùng chung, cần làm sạch và khử trùng kỹ.

    7. Quản lý vệ sinh và khử trùng

    • Xử lý xác động vật: Cần thực hiện đúng quy trình để ngăn ngừa phát tán mầm bệnh và tránh gây ô nhiễm môi trường.
    • Quản lý chất thải và chống ruồi nhặng: Sử dụng hệ thống biogas, vi sinh xử lý phân và phun sát trùng định kỳ.
    • Khử trùng chuồng trại: Làm sạch hàng ngày, sát trùng định kỳ và đặc biệt sau khi xuất chuồng hoặc có dịch bệnh.

    8.Tiêm phòng vắc-xin

    Tiêm phòng là biện pháp chủ động và hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh. Cần lưu ý các yếu tố sau:

    • Thời điểm tiêm: Dựa trên hướng dẫn nhà sản xuất và tình hình dịch tễ. Với PRRS, cần xét nghiệm kháng thể mẹ truyền để lựa chọn thời điểm phù hợp.
    • Bảo quản vắc-xin: Tuân thủ nghiêm ngặt nhiệt độ bảo quản:
      • Vắc-xin sống vi khuẩn: < 0°C
      • Vắc-xin sống virus: < -20°C
      • Vắc-xin chết: 2–8°C
        Dùng tủ chuyên dụng, tránh để gần cửa hoặc trên cánh tủ, vệ sinh tủ định kỳ.
    • Đối tượng tiêm: Không tiêm cho vật nuôi đang bệnh, yếu, quá nhỏ, đang mang thai giai đoạn cuối.
    • Sử dụng vắc-xin: Pha dùng ngay, ghi ngày mở lọ, tiêu hủy đúng quy định sau khi sử dụng.
    • Đánh giá hiệu quả: Cần đánh giá mức độ bảo hộ của vắc-xin trong điều kiện thực tế tại trại thông qua các xét nghiệm phòng thí nghiệm.

    9. Sử dụng kháng sinh có kiểm soát

    Việc lạm dụng kháng sinh không đúng cách đã dẫn đến hiện tượng kháng thuốc, giảm hiệu quả điều trị và gây tồn dư trong thực phẩm. Theo Liên Hợp Quốc (2023), nếu không kiểm soát, kháng thuốc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng vào năm 2050, đặc biệt tại châu Á.

    Nguyên tắc sử dụng kháng sinh hiệu quả là “đúng loại - đủ liều”. Phương pháp kháng đồ định lượng hiện nay (ví dụ của R.E.P Labs) cho phép lựa chọn đúng loại kháng sinh và liều lượng phù hợp.

    Ngành chăn nuôi heo hiện đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, song cũng phải đối mặt với các thách thức về dịch bệnh. Việc áp dụng kiến thức khoa học, tăng cường quản lý, và kiểm soát rủi ro là những yếu tố then chốt để đảm bảo chăn nuôi bền vững và hiệu quả.

    R.E.P Biotech

    Bài viết có sự tham khảo từ Sách "Đột tử trên heo: vấn đề & giải pháp" của Th.S Nguyễn Văn Non

    Bài viết liên quan:

    Kháng sinh đồ định lượng - Công cụ sử dụng kháng sinh có kiểm soát

    Vai trò của các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong chăn nuôi thú y

    Việt Nam quyết liệt hành động ngăn chăn tình trạng kháng kháng sinh

    Bài viết liên quan

    • SỨC CÔNG PHÁ CỦA MYCOPLASMA TRONG CHĂN NUÔI VÀ CÁCH KIỂM SOÁT

      Mycoplasma – cái tên không còn xa lạ với nhà chăn nuôi, bởi nhóm vi khuẩn này gây bệnh đa dạng trên cả heo và gia cầm trên toàn thế giới, kéo theo những thiệt hại kinh tế nặng nề. Kiểm soát Mycoplasma vẫn đang là bài toán khó đối với ngành Chăn nuôi Thú y.

    • TOÀN CẢNH BỆNH DO VIRUS TEMBUSU Ở VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP

      Theo thống kê của Bệnh viện Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ mẫu xét nghiệm dương  tính  với  virus  Tembusu  (xác  định  bằng  RT-PCR)  trong năm  2018  lên  tới  38%  trên  các  ca  được  chẩn  đoán lâm sàng. Virus Tembusu gây hội chứng lật ngửa giảm đẻ chính thức được ghi nhận ở Việt Nam vào năm 2019.

    • VIỆT NAM QUYẾT LIỆT HÀNH ĐỘNG NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG KHÁNG KHÁNG SINH

      Số lượng các vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng gia tăng ở cả người và động vật, ngay cả những thế hệ kháng sinh mới nhất. Tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động. Nhà nước ta chỉ thị quyết liệt hành động để ngăn chặn tình trạng này.

    • TẠI SAO PHÂN TÍCH XƠ ĐẠM LẠI QUAN TRỌNG TRONG THỨC ĂN CHĂN NUÔI?

      Trong tình hình dịch bệnh hoành hành và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt làm chi phí chăn nuôi bị đẩy lên cao; chất lượng thức ăn chăn nuôi đặc biệt được quan tâm. Nguồn nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo là điều kiện cần để sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt giá trị dinh dưỡng cao. Nhiều chỉ tiêu chất lượng nghiêm ngặt được đưa ra để đánh giá, trong đó có chỉ tiêu phân tích xơ đạm.

    • KIỂM NGHIỆM VI SINH TRONG THỰC PHẨM VÀ THỨC ĂN CHĂN NUÔI

      Kiểm nghiệm vi sinh trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi giúp phát hiện sớm các rủi ro gây bệnh cho vật nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm